Văn hóa trang phục trong xà cạp của người Bhơ Noong

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc chứa đựng những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc nhất định, cùng với đó là những phần trang trí quan trọng điểm tô cho bộ trang phục và làm điểm nhấn nổi bật cho dân tộc đó. Tại miền núi phía Bắc nước ta, do điều kiện thời tiết cũng như công dụng bảo vệ cơ thể cần thiết trong đời sống hàng ngày, một bộ phận các dân tộc thường sử dụng xà cạp như một phần không thể thiếu trong trang phục của họ. Cùng với đó, văn hóa đời sống thường nhật của người Bhơ Noong từ xa xưa đến nay vẫn luôn gắn liền với chiếc xà cạp và nó còn đem lại những giá trị tinh thần độc đáo cho người dân.

Xà cạp của các dân tộc miền núi phía Bắc

Các dân tộc miền núi phía Bắc sinh sống trong điều kiện thiên nhiên, môi trường khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, đồng bào nơi đây luôn có ý thức về việc bảo vệ cơ thể. Bộ y phục của các tộc người do chính họ làm ra từ sợi lanh, sợi bông hay các nguyên vật liệu mua từ thị trường qua trao đổi với ngươi Kinh ở chợ luôn có độ bền chắc để bảo vệ cơ thể rồi mới tính đến việc làm đẹp. Ngoài trang phục chính, đồng bào đã nghĩ ra cách dùng vải quấn lại thành từng lớp để bảo vệ đôi chân khỏi bị côn trùng tấn công. Nó còn giúp giữ ấm đôi chân trong mùa đông buốt giá. Mảnh vải để quấn chân người ta gọi là xà cạp. Mỗi vùng có cách sử dụng xà cạp khác nhau.

Xà cạp giữ ấm và bảo vệ đôi chân khỏi bị côn trùng tấn công
Xà cạp giữ ấm và bảo vệ đôi chân khỏi bị côn trùng tấn công

Giá trị văn hóa trong trang phục của người Bhơ Noong

Trong các dân tộc ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên duy chỉ có tộc người Bhơ Noong (cư trú tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) sử dụng tấm vải màu trắng, đen hoặc màu chàm bó quanh đôi chân giống như chiếc xà cạp của các dân tộc miền núi phía Bắc. Cách phục sức này đến nay vẫn còn phổ biến.

Người Bhơ Noong là nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng. Họ là một trong số ít các dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên đến nay còn lưu giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó điển hình nhất là nghề dệt thổ cẩm và trang phục của phụ nữ. Từ xa xưa, người Bhơ noong đã biết trồng bông dệt vải thổ cẩm. Chúng phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình. Sợi bông tự nhiên thường có màu trắng.

Để tạo màu, phụ nữ Bhơ noong lấy nguyên liệu từ cây, cỏ, lá, hoa của rừng núi. Họ tạo ra các màu như màu xanh của lá, màu vàng nghệ, màu đỏ thẫm từ bồ kết giã trộn với một số vỏ cây, rễ, củ, tro bếp, ốc đá để thành màu nâu, màu đen… Đồng bào Bhơ noong phát triển nghề dệt với khung dệt khá thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp. Đây là công việc chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm. Nghề dệt thổ cẩm thủ công của họ qua đó mà hình thành. Từ đó, chúng đã tạo nên văn hóa trong trang phục. 

Người Bhơ Noong vẫn gìn giữ tốt nghề dệt thổ cẩm và trang phục của dân tộc
Người Bhơ Noong vẫn gìn giữ tốt nghề dệt thổ cẩm và trang phục của dân tộc

Nghệ thuật sử dụng xà cạp của người Bhơ Noong

Cũng giống như các dân tộc miền núi phía Bắc, người Bhơ Noong khi quấn xà cạp thì dùng một đầu xà cạp ép vào cổ chân. Sau đó, họ quấn liên tiếp 3 vòng tại vị trí cũ để giữ mối cho chặt. Tiếp đến, họ quấn hơi chéo dần lên phía đầu gối. Lúc này, mép vải sau đè lên mép vải trước một ít. Đến khi hết vải thì dùng một dây vải nhỏ buộc lại để xà cạp không bị tuột ra. Mép vải được gấp mép và khâu lại để làm cho sợi khỏi bị xổ ra. Phía dưới cổ chân, nơi tiếp giáp với xà cạp người ta đeo nhiều vòng cườm ngũ sắc. Chúng tạo vẻ đẹp hài hòa cho chiếc xà cạp.

Xà cạp góp phần làm đẹp cho bộ trang phục của nữ giới. Xà cạp quấn chân làm cho thân hình phụ nữ trở nên gọn gàng, kín đáo. Đôi khi đồng bào còn mang tất phù hợp với xà cạp để làm đẹp và giữ ấm cho đôi chân. Trong các lễ hội, các cô gái Bhơ Noong không quên trưng diện chiếc xà cạp để làm đẹp bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *