Mỗi dân tộc Việt Nam sẽ có những lễ hội văn hóa truyền thống riêng đặc trưng cho cộng đồng dân tộc đó vô cùng độc đáo và kèm theo là những ý nghĩa đặc biệt, thú vị. Tương ứng với mỗi mùa cùng với những đặc điểm khác nhau về thời tiết, sản vật hay một mốc thời gian ý nghĩa nào đó sẽ có một lễ hội đặc trưng cho một số dân tộc nhất định. Giống như thời điểm bắt đầu một mùa vụ mới vào tháng 6 âm lịch, người dân Hà Nhì đen sẽ tổ chức Tết Khô Già Già để đón chào một mùa mới với thỉnh cầu mọi việc đều thuận lợi, bội thu cùng những trò chơi dân gian luôn hấp dẫn nhiều dân tộc khác đến ghé thăm mỗi năm.
Mục lục
Lễ cầu mùa lớn nhất của người Hà Nhì đen
Quần cư trong một thung lũng ở vùng biên giới, Y Tý là tên của một xã cuối trời đất Việt thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây có những ngôi nhà như cây nấm mọc trên sườn núi của người Hà Nhì đen. Dân tộc này đã có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước. Dân tộc Hà Nhì đã khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc.
Khác với cư dân Tây Nguyên và khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, người dân Hà Nhì mở hội vào cuối hè. Đây là thời điểm tương đối nông nhàn khi cây trồng đã được gieo cấy. Tết Khô Già Già hay còn gọi là Tết tháng 6 được người Hà Nhì đen tổ chức. Nó được coi là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức theo từng thôn, bản ở các xã: Y Tý, Nậm Pung, A Lù, Trịnh Tường. Đây là dịp người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời, thần đất. Họ thực hiện các nghi lễ cúng tế truyền thống và trò chơi dân gian độc đáo.
Các bước thực hiện nghi lễ cúng của Tết Khô Già Già
Lễ vật cần chuẩn bị cho Tết Khô Già Già
Để chuẩn bị cho nghi thức này, từ ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch hàng năm, các thôn Hà Nhì tổ chức sửa sang, lợp lại lán thờ tại công viên chung của thôn. Đặc biệt, các gia đình trong thôn cùng góp tiền mua trâu để làm lễ vật hiến tế thần linh. Sau lễ mổ trâu, thịt trâu được chia đều cho các gia đình mang. Họ sẽ về làm lễ cúng tổ tiên vào buổi sáng và buổi tối những ngày tết. Theo phong tục, người đàn ông làm chủ gia đình sẽ trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng. Phụ nữ sẽ là người chuẩn bị các lễ vật. Khi thực hiện nghi lễ, người Hà Nhì mặc trang phục truyền thống của dân tộc.
Vào ngày thứ hai trong Tết Khô Già Già, các thanh niên, trai tráng trong thôn sẽ làm lại đu quay và đu dây ở công viên chung. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm lễ vật. Lễ vật gồm có thịt trâu và các nông sản tự sản xuất ra như: Thịt gà, thịt lợn, cá, lạc, đậu tương, bí, dưa chuột… Họ sẽ mang đến công viên để tham gia lễ cũng chung của làng. Đối với nghi thức này, mỗi gia đình chỉ có một người đàn ông Hà Nhì được tham gia. Điều kiện tham gia là trong năm gia đình không xảy ra việc không may như có người qua đời.
Bước tiến hành chính của nghi lễ
Tại lán thờ công viên, hai thầy cúng được thôn chọn ra sẽ thực hiện nghi lễ cúng dưới chân cột đu quay cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống người dân trong thôn luôn được no ấm. Đại diện các gia đình cũng làm lễ cúng cầu mong việc làm ăn thuận lợi, may mắn. Các mâm lễ vật sau đó sẽ được chuyển vào trong lán thờ. Mọi người cùng liên hoan, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, người trẻ cảm ơn người cao tuổi. Sau lễ cúng, đồng bào dân tộc tại đây sẽ kiêng không chặt cây, cắt cỏ, băm chặt 3 ngày.
Văn hoá truyền thống không thể thiếu của người Hà Nhì đen
Trong Tết Khô Già Già, không khí tại các thôn người Hà Nhì đều vui hơn hẳn ngày thường. Người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đều được đến công viên của thôn tham gia các trò chơi truyền thống như đu quay, đu dây, nhảy que…Tết Khô Già Già của người Hà Nhì đen trên vùng cao huyện Bát Xát thể hiện tín ngưỡng cầu mùa. Nó mang nhiều ý nghĩa nhân văn, được cả cộng đồng tôn trọng và gìn giữ theo đúng bản sắc dân tộc.
Tết Khô Già Già là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bảo dân tộc vùng núi. Nó gắn liền với đời sống và sản xuất nông nghiệp của con người nơi đây. Đây còn là một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của người Hà Nhì. Năm 2014, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao. Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì.