Từ thời còn chinh chiến trong những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm đến thời bình ở hiện tại, hình bóng của người phụ nữ Việt Nam luôn chiếm một tầm vóc to lớn, vững chãi trong lòng mỗi người cùng những công lao cao cả từ trong cuộc sống gia đình đến ngoài xã hội cũng như trên chiến trường. Để ghi nhớ, khắc họa công ơn của những người phụ nữ, Nhà tù Hỏa Lò đã và đang tổ chức triển lãm trưng bày hình ảnh những nữ chiến sĩ, những người mẹ thời chiến, là những người đại diện cho toàn bộ phụ nữ Việt Nam luôn biết hy sinh, chịu thương, chịu khó thông qua chuyên đề “Sắt – Son” kéo dài đến giữa năm sau.
Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Sắt- Son” ghi nhớ công ơn phụ nữ Việt Nam
Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2021), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Sắt – Son”. Không gian trưng bày “Sắt – Son” được thể hiện qua hai màu sắc chủ đạo xám – đỏ. Màu sắc ứng với hai phần nội dung Sắt và Son.
Trưng bày thể hiện hai gam màu chủ đạo lồng ghép khéo léo các câu chuyện. Những câu chuyện đó về những tấm gương phụ nữ Việt theo suốt dọc dài lịch sử. Họ có những phẩm chất và đức tính cao đẹp nơi chốn lao tù khắc nghiệt hay trong chiến đấu kiên cường. Khu vực chuyển giao hai nội dung có thiết kế ấn tượng là Bức tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Bức tranh được ghép từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng anh hùng. Nó mang đến ấn tượng sâu sắc cho du khách đến đây.
Trưng bày “Sắt – Son” góp phần khẳng định lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nền lịch sử lâu đời luôn gắn liền với dáng hình của người phụ nữ. Họ có đức hy sinh cao cả, tấm lòng sắt son với quê hương, gia đình. Họ mang thêm cả tinh thần quả cảm đại diện cho văn hóa truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Tất cả đã làm nên vẻ đẹp người phụ nữ như những bông hoa nở giữa phong ba, bão táp. Phụ nữ Việt đã, đang đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Những nữ chiến sĩ điển hình cho tấm lòng “Sắt”
“Sắt” là câu chuyện “Hoa nơi ngục lửa”. “Sắt” giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu. Họ là những anh hùng trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, gồm: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, Võ Thị Sáu, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Bình. Họ có sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên trung. Những người phụ nữ ấy đã vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong chốn lao tù. Họ còn hiên ngang đối mặt với quân thù nơi chiến trường ác liệt.
“Sắt” còn là câu chuyện về “Lòng vàng, gan sắt”. “Sắt” là về những người mẹ, người chị, người em dịu dàng, nhỏ nhắn. Họ đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, chị em hăng hái tham gia đánh giặc bằng “đòn gánh đánh càn” ở miền Bắc, “tầm vông diệt giặc” ở miền Nam… Những đội nữ du kích, tự vệ địa phương, nữ thanh niên xung phong xông pha nơi chiến trường ác liệt hay những nữ chiến sĩ chiến đấu thầm lặng nơi đầu não của địch đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tôn vinh nét đẹp phụ nữ có tấm lòng “Son”
Trong phần “Son”, trưng bày lại được thể hiện qua hai tiểu mục: “Tốt gỗ” và “Tốt sơn”. “Tốt gỗ” tập trung khắc họa câu chuyện những người phụ nữ “Giỏi một nghề, biết nhiều việc”. Họ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Và tiếp nối truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản về định kiến giới, năng động, sáng tạo, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Họ hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới. Chính điều đó cho thấy họ luôn “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Ở “Tốt sơn” là những hình ảnh tôn vinh nét đẹp phụ nữ Việt Nam mọi khía cạnh, mọi hoàn cảnh của cuộc sống trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đáng giá với những câu chuyện cảm động, nhân văn đằng sau. Trưng bày sẽ kéo dài tới hết tháng 5/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.