Nghệ thuật dân gian sinh động của điệu hát Tâm Pớt

Mảnh đất Tây Nguyên là nơi sinh sống của đông đảo dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa vô cùng đa dạng với vô vàn phong tục tập quán và lễ hội dân gian đặc sắc. Đại bộ phận dân tộc M’Nông đều tập trung sinh sống ở đây và đem đến cho địa phương một điệu ca dân gian cực bắt tai người nghe là điệu hát Tâm Pớt xuất hiện trong nhiều hoạt động sống hàng ngày của cả cộng đồng dân cư. Hát Tâm Pớt là loại hình văn hóa nghệ thuật không thể thiếu của mỗi người dân M’Nông và đã góp phần tạo nên giá trị quý báu trong kho tàng bản sắc văn hóa của nước Việt.

Vài nét về dân tộc M’Nông

Cùng với người Ba Na, Ê đê, người M’Nông là một trong những tộc người cư trú lâu đời nhất trên mảnh đất Tây Nguyên. Họ cũng là tộc người còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Tiếng nói của người M’Nông thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Theo phong tục của đồng bào M’nông Gar, cứ sau một mùa rẫy là các bon làng tổ chức các nghi lễ, lễ hội vòng đời người, nhằm tạ ơn các vị thần linh trong trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi. Lễ hội đâm trâu là lễ hội cổ truyền được coi trọng nhất. Người M’Nông nói chung có nền văn hoá nghệ thuật rất đa dạng và đậm đà bản sắc. Kho tàng truyện cổ, tục ngữ, dân ca và đặc biệt là tập quán kể chuyện sử thi của người M’Nông tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá quý báu.

Người M’Nông có nền văn hoá nghệ thuật rất đa dạng và đậm đà bản sắc
Người M’Nông có nền văn hoá nghệ thuật rất đa dạng và đậm đà bản sắc

Hát Tâm Pớt gắn liền với đời sống hàng ngày của người M’Nông

Trong âm thanh của cồng chiêng, bên bếp lửa bập bùng, làn điệu Tâm Pớt được cất lên thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như du khách. Theo Nghệ nhân Nhân dân Điểu Marin ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song, hát Tâm Pớt là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người M’Nông.

Người M’Nông có thể hát kể Tâm Pớt khi kết bạn, giao duyên, lúc uống rượu cần hay trong nhà, bon làng có khách quý… Mỗi bài hát Tâm Pớt gồm nhiều câu. Mỗi ý được người hát ứng đối dài hay ngắn tùy theo nội dung được đề cập. Tùy theo tính chất và mục đích mà người hát Tâm Pớt thể hiện nội dung phù hợp.

Hát Tâm Pớt có thể diễn ra bất cứ nơi nào. Họ có thể hát một mình hoặc cùng có nhiều người tham gia hát đối đáp. Nội dung đa dạng, phong phú và tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Người hát thường sẽ thể hiện sao cho sinh động, cuốn hút người nghe. Ví như khi kết bạn, chào mời thì lời hát Tâm Pớt được thể hiện giữa những người mới quen, giữa chủ và khách. Hát trong lúc giao duyên, tình cảm thì người hát là nam còn người đáp lại là nữ…

Hát Tâm Pớt không thể thiếu trong hoạt động sống hàng ngày của người M’Nông
Hát Tâm Pớt không thể thiếu trong hoạt động sống hàng ngày của người M’Nông

Điệu hát Tâm Pớt được sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào

Đặc biệt, hát Tâm Pớt có những ngôn từ thật giản dị, trong sáng. Điệu hát luôn nói lên được nỗi lòng của người hát, khiến người nghe càng thích thú, say mê. Nội dung của chúng đều gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Đối với người M’Nông, ai thuộc nhiều bài Tâm Pớt và ứng đối nhanh thì đó là người tài giỏi. Họ sẽ được mọi người yêu mến, quý trọng. Vì vậy, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng bào cũng có thể hát Tâm Pớt.

Trong các lễ hội truyền thống của người M’nông

Ở một số lễ hội truyền thống của người M’Nông như Lễ sum họp cộng đồng, Lễ kết nghĩa bon, Lễ mừng lúa mới… khi nhịp chiêng vang lên thì cũng là lúc làn điệu Tâm Pớt được thể hiện một cách ngọt ngào, làm say đắm lòng người. Ở đây, tiếng Tâm Pớt như một lời kêu gọi mọi người tề tựu lại. Họ sẽ cùng nhau chứng kiến sự kiện quan trọng của cộng đồng.

Khi đón khách

Một trong những bài Tâm Pớt được sử dụng thường xuyên và tỏ lòng hiếu khách là bài “Đón khách”. Lời bài hát như sau: “Hôm nay nhà ta có khách, khách từ phương xa lặn lội ghé thăm. Lòng ta vui, nhịp chiêng cũng vui. Lòng ta vui, mở ché rượu cần. Ta uống thử, rượu này không độc. Ta uống trước mời khách uống sau. Rượu ta nhạt nhưng lòng ta như bếp lửa, nên dù nhạt xin khách đừng chê. Lòng ta vui, con suối cũng vui. Con suối vui, đồi núi cũng vui. Bon làng vui, con chim bay đến và mong khách đường xa hãy ở lại nhà…”.

Hát Tâm Pớt luôn được người M'Nông thể hiện trong các lễ hội truyền thống
Hát Tâm Pớt luôn được người M’Nông thể hiện trong các lễ hội truyền thống

Khi giao duyên

Hay như trong tình cảm giữa nam – nữ, khi muốn tìm hiểu lẫn nhau thì người M’Nông lại hát với hình thức giao duyên với những câu từ dân dã: “Em có thể hợp ý với lỗ tai hổ không/ Em có thể hợp ý với lỗ tai cọp không/ Em có hợp ý với lỗ tai khỉ không/ Anh xin em chiếc túi để đeo/ Anh xin em xâu nanh để đeo cổ/ Anh xin em chiếc khăn để quấn đầu/ Anh muốn cưới vợ xinh vợ ngoan/ Anh muốn cưới vợ con cậu con bác”… Thông qua làn điệu Tâm Pớt, chàng trai đã mượn lời hát để nói lên nỗi lòng của mình. Điều này được thể hiện qua ba lần “anh xin em”. Đó là cách tỏ tình khéo léo, tế nhị, nhưng đậm đà tình yêu thương.

Có thể thấy, với những lời ca hết sức mộc mạc, chân thành nhưng hát Tâm Pớt luôn có một sức hút, thôi thúc người nghe tìm đến. Vì vậy, dù cuộc sống ngày càng có nhiều thay đổi, nhưng về các bon làng của người M’Nông hôm nay vẫn còn được nghe đâu đó âm thanh của những giai điệu nồng nàn, say đắm của làn điệu Tâm Pớt. Đặc biệt, mỗi khi lễ hội diễn ra thì chính là lúc đồng bào hát lên những làn điệu Tâm Pớt đầy cảm xúc. Họ thể hiện ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *