Trẻ em là một trong những đối tượng vô cùng nhạy cảm với những tác nhân tiêu cực bên ngoài. Khi còn nhỏ, cơ thể của các em chưa thực sự phát triển toàn diện được. Dĩ nhiên hệ miễn dịch của các em cũng không thể tốt như mọi người trưởng thành. Do đó, chỉ với một vài sơ xuất nhỏ, bé cũng có thể rất dễ bị bệnh. Một trong số bệnh mà hầu như đứa trẻ nào cũng rất dễ mắc phải ít nhất một lần trong đời đó là viêm tai giữa. Bệnh ban đầu không có quá nhiều điều lo lắng. Nhưng nếu chủ quan thì sẽ có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng khó nói. Hãy cùng vnteen tìm hiểu thêm nhé!
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa
Cấu tạo của tai người sẽ được chia làm 3 phần đó là tai ngoài, tai trong và tai giữa. Tai giữa là phần ở phía sau của màng nhĩ có chức năng truyền tải âm thanh từ ngoài vào trong, vì vậy phần tai giữa rất quan trọng.
Viêm tai giữa là một trong số những bệnh lý xảy ra ở tai giữa. Người bệnh viêm tai giữa sẽ bị tổn thương và viêm nhiễm ở trong tai giữa do vi khuẩn sinh sôi và phát triển bên trong. Hoặc bệnh cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài.
Bệnh viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tình trạng khiếm thính. Bên cạnh đó trẻ bị viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến khả năng học hành.
Triệu chứng của bệnh
Đối với người từ 12 tuổi trở lên
Ở người lớn các triệu chứng viêm tai giữa đó là cảm thấy đau tai. Cảm giác này đôi khi kèm theo nhói và giật giật ở tai. Có những trường hợp bệnh nhân bị đau lan lên cả phần đầu khiến cho một tai hoặc hai tai tê cứng, khi sờ vào thấy hơi sưng và nóng.Ngoài ra người lớn cũng sẽ thấy tai bị ù, sức nghe bị giảm sút, nghe không rõ và hay thấy trong tai có cảm giác ọc ọc như có nước.
Tai chảy dịch mủ ra bên ngoài theo đợt hoặc theo ngày. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa, hiện tượng này sẽ xuất hiện nhiều. Phần dịch mủ chảy ra từ trong tai có màu vàng, đối với bệnh nhân bị viêm tai xương chũm sẽ có mùi rất hôi và khó chịu.
Trường hợp thấy tai có dịch mủ cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Đối với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau thì bạn nên đưa bé đi khám và kiểm tra:
- Trẻ sốt cao lên tới 39 – 40 độ C, hay quấy khóc và ăn kém, bỏ ăn, nôn trớ và nặng hơn là co giật.
- Đối với trẻ nhỏ sẽ lắc đầu và liên tục lấy tay cho vào trong tai. Còn trẻ lớn hơn đã biết nói sẽ kêu đau tai.
- Trẻ sẽ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Triệu chứng này gần như xuất hiện đồng thời với triệu chứng sốt.
- Bé trằn trọc khó ngủ và tỏ ra bứt rứt khi đặt nằm xuống.
- Trẻ không giữ thăng bằng và hay nghiêng phần đầu sang một bên.
Nếu cha mẹ không phát hiện những triệu chứng viêm tai giữa và kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị thì chỉ vài ngày sau bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn. Sau từ 2 – 3 ngày, màng tai bị thủng sẽ có mủ chảy ra ngoài qua lỗ tai.
Hướng dẫn phòng bệnh viêm tai giữa
Đối với người từ 12 tuổi
- Mỗi khi vệ sinh tai hãy chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm tổn thương niêm mạc tai, nặng hơn là thủng màng nhĩ và gây viêm tai giữa.
- Không để nước bẩn vào trong tai (đặc biệt khi đi bơi và gội đầu).
- Nếu mắc các bệnh lý về mũi họng hãy điều trị triệt để.
Đối với trẻ em dưới 12 tuổi
- Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ và để các đồ vật không sạch sẽ cách xa tầm với của trẻ.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.
- Khuyến khích cho con bú sữa mẹ bởi trong sữa mẹ có đề kháng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.
- Nếu cho trẻ bú bình hãy giữ trẻ ngồi thẳng và tránh cho bú khi đang nằm.
- Để trẻ tránh xa nơi có khói thuốc lá.
Các triệu chứng viêm tai giữa trên đây đều dễ nhận biết và cha mẹ cần lưu tâm. Nếu thấy một trong các biểu hiện này, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán tình trạng.
Hướng dẫn ráy tai đúng cách cho bé
Dùng một chiếc khăn bông mỏng, mềm thấm nhẹ xung quanh vành tai cho con sau đó xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn bông và ra ngoài. Với tính chất mềm của khăn sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch.
Khi tai bé bị trầy xước hay đặc biệt là khi đang bị viêm tai giữa, ba mẹ không dùng bông ráy tai hay dụng cụ lấy ráy tai gì khác để ngoáy tai cho bé, bởi chúng có thể gây đau đớn và ảnh hưởng xấu đến tai bé.
Nếu ráy tai nhiều và khó lấy, bà mẹ cần làm mềm ráy tai bằng oxy già trước khi lấy ráy tai cho trẻ theo các bước như sau:
Bước 1: Đặt bé nằm nghiêng, bên tai cần làm vệ sinh nằm ở phía trên. Cho bé xem ti vi hoặc đọc truyện cho bé nghe;
Bước 2: Dùng bơm tiêm nhựa không kim hút hỗn hợp làm mềm ráy tai đã pha chế;
Bước 3: Nhỏ hỗn hợp này vào tai cho tới khi ngập ống tai ngoài. Thường cần khoảng 5 -10 giọt. Nên nhỏ từ từ, từng giọt một, để mỗi giọt có thể đi sâu vào trong, làm mềm ráy tai. Giữ bé nằm yên trong 5 phút. Nếu trẻ không phối hợp thì có thể chấp nhận thời gian ngắn hơn;
Bước 4: Nghiêng đầu bé theo hướng ngược lại để các giọt thuốc chảy ra ngoài;
Lặp lại động tác này 1 lần mỗi ngày trong vòng 3-5 ngày.