Giới thiệu các món ngon đặc sắc của ẩm thực Đồng Tháp Mười

Về miền Đồng Tháp Mười, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, vườn cây trái mà còn có cơ hội nếm thử các món “đặc sản Đồng Tháp” vô cùng hấp dẫn.

Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long, trải dài qua ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đến với Đồng Tháp, bạn không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên của những cánh đồng tràm, sen bạt ngàn, vườn cò, vườn chim hoang dã mà còn được thử những món ngon đậm chất miền quê. Dưới đây là top đặc sản Đồng Tháp không thể bỏ qua do chúng tôi tổng hợp dành cho bạn.

Bánh phồng tôm Sa Giang

Nói đến “Top” đặc sản Đồng Tháp Mười đầu tiên phải nhắc đến đó là bánh phồng tôm Sa Giang – Sa Đéc. Bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới, được người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Bánh được chế biến từ bột khoai mì tinh chế kết hợp với tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu đập dập và một số gia vị: muối, đường, bột ngọt. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải hình ống và đưa vào nồi hấp. Sau khi hấp chín, những cây bột này sẽ được cắt thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô, đóng gói cẩn thận và cung cấp ra thị trường.

Bánh phồng tôm Sa Giang có nhiều loại để quý khách lựa chọn như bánh phồng mực, bánh phồng cua, bánh phồng cá basa… Khi ăn, lấy bánh chiên với dầu thật nóng để phồng to ra, giòn tan. Bánh phồng tôm ăn không cũng ngon nhưng ăn cùng với các món gỏi mới đúng vị.

Nem Lai Vung

Nem Lai Vung
Nem Lai Vung

Nem Lai Vung gắn liền với địa danh huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Từ lâu loại nem chua chua, ngọt ngọt này đã vang danh khắp trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã công nhận nem Lai Vung vào “Top” 14 đặc sản nổi tiếng và giá trị Việt Nam năm 2012.

Nem Lai Vung có hương vị thơm ngon, độc đáo. Nguyên liệu để làm nem gồm có thịt heo nạc xay nhuyễn, da heo (bì) xắt nhỏ trộn với thính (gạo rang), tỏi thái mỏng, hạt tiêu để nguyên hạt… Tùy theo bí quyết riêng của từng người mà có cách làm nem khác nhau.

Người ta trộn tất cả các nguyên liệu lại với nhau, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi gói lại bằng lá chùm ruột hoặc lá vông non. Sau đó, gói lại thêm một lớp bằng lá chuối, buộc bằng dây lạt hoặc dây nylon. Nem sau khi gói lại để vài ngày cho lên men là có thể dùng được.

Nem Lai Vung nổi tiếng gần xa, được nhiều du khách ưa thích và chọn mua làm quà. Hiện nay trên địa bàn huyện Lai Vung có nhiều cơ sở làm nem nổi tiếng như nem Út Thẳng, nem Năm Thơ, nem Chiến Ngoan, nem Tư Minh… Trong đó, nổi tiếng nhất là nem Út Thẳng với hai cơ sở tại Đồng Tháp và Tp. Hồ Chí Minh.

Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu là món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ. Dù có nhiều nơi làm món này nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn mang hương vị riêng. Hủ tiếu Sa Đéc độc đáo ở nguyên liệu làm bánh và nước dùng. Sợi bánh được làm từ bột gạo Sa Đéc, loại bột nổi tiếng hơn 100 năm nay và được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Nước dùng với hủ tiếu được nấu bằng xương heo (xương ống) và một số gia vị “bí truyền”, tạo ra hương vị thơm, ngọt đậm đà.

Tô hủ tiếu Sa Đéc dọn ra hấp dẫn thực khách với nước dùng trong, sợi bánh trắng mịn, ngọt mà không bở; điểm vài miếng thịt, tim, gan, lòng heo, tôm cùng với giá, hẹ, xà lách, hành, chanh, ớt… Hủ tiếu được bày bán nhiều nơi tại thành phố Sa Đéc, giá bán khoảng 20.000 đồng – 30.000 đồng/tô.

Bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo Cao Lãnh
Bánh xèo Cao Lãnh

Bánh xèo là món ăn phổ biến ở cả miền Nam, Trung và Bắc. Thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật ở miền Tây Nam Bộ phải kể đến là bánh xèo Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Bánh ở đây được chế biến công phu từ nguyên liệu cho đến nước chấm. Bánh được làm từ bột gạo, chọn loại gạo ngon nhất để làm. Nhân bánh thường có củ sắn (củ đậu) xắt mỏng, giá, tôm, thịt heo băm nhỏ/thịt vịt… Khi đổ bánh, người ta bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng rồi cho lần lượt các loại nhân vào. Đợi bánh giòn thì gập đôi lại và đổ ra đĩa.

Nước chấm đi kèm được pha chế khéo léo từ nước mắm; có vị chua the của chanh, phảng phất vị cay nồng của ớt rồi thêm ít cà rốt và củ cải bào sợi. Rau ăn kèm gồm có nhiều loại như xà lách, cải cay, rau quế, diếp cá, đọt bằng lăng… Bánh xèo ăn nóng mới ngon. Khi ăn, lấy miếng bánh cuộn thêm rau sống rồi chấm với nước mắm chua ngọt thì ngon không gì bằng.

Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non

Cá lóc nướng trui là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây. Tuy nhiên, cá lóc nướng cuốn lá sen non có lẽ chỉ ở vùng Đồng Tháp Mười mới phổ biến. Cá lóc tươi mang về sẽ được rửa sạch, sơ chế, bỏ mật cá để cả vảy rồi lấy muối hạt rửa lại, để ráo nước. Người chế biến thường dùng một cây sả tươi luồn thẳng từ miệng cá xuống dưới thân rồi đem nướng. Cách làm này vừa khử tanh vừa mang lại hương vị thơm ngon cho cá.

Cá lóc nướng chín, gỡ thịt cá cuốn cùng với lá sen non và chấm nước mắm me thì ngon không gì bằng. Những chiếc lá sen non mơn mởn, hai mép lá vẫn còn cuốn tròn chưa kịp bung ra đem rửa sạch. Rồi cuốn cùng thịt cá trắng nõn, thơm phức. Quý khách có thể thưởng thức món ăn này ở nhiều nhà hàng tại Đồng Tháp với giá chỉ từ 150.000 đồng/con.

Lẩu mắm

Nếu có dịp về thăm Đồng Tháp Mười, du khách nhất định phải thử món lẩu mắm. Món ăn này hấp dẫn du khách gần xa nhờ nguyên liệu phong phú. Hương vị thơm lừng và màu sắc bắt mắt. Lẩu mắm được chế biến công phu qua nhiều công đoạn. Trong đó khâu nấu nước lẩu được xem là quan trọng nhất.

Người ta thường chọn những loại mắm ngon như mắm cá sặc, mắm cá linh để nấu nước lẩu. Ăn kèm với lẩu mắm còn có thịt ba chỉ, tôm sú, cá tra, cá basa, cà tím, nấm rơm, khổ qua… cùng nhiều loại rau đồng khác. Lẩu mắm có mùi vị hơi nồng nhưng đậm đà. Ai mới ăn lần đầu có thể không quen miệng nhưng nếu đã quen rồi sẽ muốn ăn thêm nhiều lần nữa.

Lẩu mắm
Lẩu mắm

Cá linh Đồng Tháp

Cá linh là đặc sản thường chỉ có vào mùa nước nổi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; nhiều nhất là vùng Đồng Tháp Mười. Khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm; cá linh theo dòng nước phù sa từ thượng nguồn đổ về rất nhiều.

Cá linh có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là nấu lẩu với bông điên điển. Cá linh để nguyên con, móc ruột, rửa sạch, để ráo rồi sắp ra đĩa. Đợi nồi lẩu sôi sùng sục, nêm nếm gia vị cho vừa ăn thì cho cá linh, bông điên điển, bông súng, rau thơm vào. Lẩu bông điên điển cá linh non ăn nóng cùng với bún hoặc cơm nóng đều được.

Quýt hồng Lai Vung

Vùng đất Lai Vung (Đồng Tháp) được phù sa bồi đắp quanh năm nên đất đai màu mỡ, cây cối phát triển tươi tốt. Nhờ điều kiện thuận lợi này nên giống quýt hồng ở đây phát triển vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Quýt hồng Lai Vung nổi bật với hương vị thơm, ngọt, vỏ mỏng và ít hạt. Quý hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Ngày nay, quýt hồng Lai Vung được phân phối đi nhiều tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới. Có dịp đến với Lai Vung, du khách nhất định phải thử loại trái cây đặc sản này.

Ốc treo giàn bếp

Con ốc để làm món ốc treo gác bếp là ốc lác. Ốc bắt được đem về rửa sạch, đựng trong giỏ đan bằng tre rồi đem treo chỗ cao trên giàn bếp. Ốc lác treo giàn bếp để lâu 4-5 tháng vẫn sống. Ốc treo giàn bếp béo mập, để hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc; ốc sẽ ngửi khói xông lên là đạt yêu cầu.

Thưởng thức món ốc lác treo giàn bếp phải từ từ, thịt ốc vừa mềm; béo ngậy, vừa ngọt, vừa cay của vị ớt lại thơm nồng của sả, thật không thể tả nổi. Ai đã từng thử món ốc treo giàn bếp sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của nó.

Chuột quay lu Cao Lãnh

Chuột quay lu Cao Lãnh
Chuột quay lu Cao Lãnh

Đến Đồng Tháp mùa nước nổi, bạn phải ghé qua Cao Lãnh để thưởng thức món thịt chuột đồng. Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều khác nhau: chuột xào lăn, xé phay; chuột nướng, chuột xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, thịt chuột bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau nhưng đặc biệt nhất phải nói đến là món chuột quay lu.

Chuột quay lu phải là những chú chuột đồng đã ăn no lúa chín, béo múp míp. Vì thế chuột sau mùa gặt béo múp là ngon nhất. Chuột được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút. Sau đó móc từng con cho vào lu, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ; thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Khi chín, mở nắp lu, nhòm những chú chuột đồng đang chín vàng, mùi thơm hấp dẫn được bày ra với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo. Cầm miếng thịt chuột lên nếm, da giòn tan, thịt thơm và mềm thật là ngon không kém gì thịt nai rừng nên người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê.

Mứt chuối phồng

Mứt chuối phồng hay còn gọi là kẹo chuối là một đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng Tháp Mười. Mứt chuối phồng được làm từ các nguyên liệu bình dân như chuối; gừng, đậu phộng, mè, nước cốt dừa, đường và nhiều gia vị khác.

Cách làm mứt chuối phồng khá đơn giản. Chuối sau khi hái từ vườn về đem ủ cho chín tự nhiên rồi ép phơi khô từ 2 đến 3 đợt nắng. Dừa khô đem bào mỏng, gừng xắt sợi, đậu phộng và mè rang vàng, chuẩn bị sẵn đường cát và bánh phồng sữa… Sau đó, bắc chảo lên bếp cho nóng rồi sên mứt cho đến khi không dính chảo nữa thì có thể tắt bếp.

Sau khi sên mứt, trải lên mẹt tre một lớp ni lông, tiếp đến là bánh tráng sữa. Trải đều mẻ mứt mỏng lên bánh tráng, cuộn lại và cắt khoanh vừa ăn. Sau đó, đem đóng gói và cho vào hộp mang đi phân phối.

Hồng Sen Tửu

Được thiên nhiên ban tặng cho những cánh đồng sen bát ngát. Người dân Đồng Tháp Mười đã tận dụng để làm ra một loại rượu có hương vị đặc trưng, đó là Hồng Sen Tửu. Loại rượu này được nấu theo cách truyền thống từ hạt sen, củ sen, tim sen, nếp cùng men bột sen. Quy trình để nấu rượu sen rất công phu với công nghệ sản xuất gia truyền. Hoàn toàn tuân thủ theo một quy trình thủ công nghiêm ngặt. Rượu ủ ít nhất 6 tháng mới có thể dùng được.

Hồng Sen Tửu có bốn loại: Hồng Sen Tửu đặc biệt, Hồng Sen Tửu, Rượu Sen và Anis Sen. Hồng Sen Tửu có vị thơm nồng, uống ngon, nhấm nháp một chén đủ để say nồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *