Mỗi cộng đồng dân tộc sẽ có một vài ngành nghề truyền thống nhất định đặc trưng cho dân tộc đó, đó là nét đẹp trong văn hóa đời sống cũng như là giá trị kinh tế trọng yếu điển hình cho một cộng đồng. Cũng như các dân tộc khác, người La Chí ở Lào Cai cũng có nghề dệt vải đặc trưng riêng cho dân tộc họ với truyền thống đặc biệt là những bộ trang phục được sử dụng hàng ngày đều do chính mỗi gia đình tự may mặc. Nghề này mang bản sắc riêng vô cùng độc đáo cho người La Chí và đóng vai trò như một biểu tượng sáng giá cho văn hóa của cả dân tộc.
Nét đặc sắc về trang phục truyền thống của người La Chí
Người La Chí là dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Đến nay họ vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Một trong số đó là trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây. Đặc biệt, phụ nữ La Chí ở Nậm Khánh vẫn tự trồng bông, dệt và may trang phục cho các thành viên trong gia đình.
Trong quan niệm người La Chí, trang phục truyền thống dân tộc là một nét đặc sắc văn hóa. Họ không mặc những trang phục của dân tộc khác. Họ chỉ mặc đồ do tay mình làm ra. Trang phục của người La Chí mộc mạc với màu chàm. Trang phục rất khéo léo và tỉ mỉ trong từng họa tiết ở viền áo. Người phụ nữ nơi đây từ nhỏ đã được dạy cách làm trang phục truyền thống. Khi đường khâu mũi chỉ càng tỉ mỉ, đẹp mắt thì có nghĩa người phụ nữ đó càng khéo léo.
Người La Chí luôn trân trọng bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ rất kỳ công trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm. Họ không mua vải có sẵn để may trang phục cho mình, mà tự tay trồng bông, dệt vải. Người La Chí luôn dành phần nương tốt nhất để trồng chàm và bông. Để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống phải mất nhiều thán. Trong đó, công đoạn nhuộm chàm chiếm phần nhiều thời gian.
Giá trị văn hóa của nghề dệt vải truyền thống
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà Vàng Thị Nề ở thôn Nậm Khánh lại cùng các thành viên trong gia đình tách hạt bông, phơi khô rồi bật cho tơi, cuộn thành từng thỏi nhỏ. Sau đó, họ kéo sợi để chuẩn bị dệt vải may quần áo. Từ những dụng cụ thô sơ, bằng đôi tay khéo léo, họ đã tạo ra những sản phẩm dệt với màu sắc và hoa văn phong phú. Chúng chứa đựng giá trị văn hóa của tộc người La Chí. Bà Vàng Thị Nề nói: “Đây là nghề truyền thống của dân tộc nên tôi luôn cố gắng giữ gìn và truyền dạy cho con cháu”.
Cùng với nếp nhà sàn và các phong tục truyền thống thì trồng bông, dệt vải may áo là bản sắc riêng của phụ nữ La Chí ở xã Nậm Khánh. Nhận thức được điều đó nên ngay từ khi còn nhỏ, em Vàng Thị Đài ở thôn Nậm Khánh đã được bà và mẹ dạy cách dệt vải, thêu thùa, may vá. Em đã có thể làm được những bộ trang phục cho riêng mình từ sớm.
Vàng Thị Đài tâm sự: “Khi mới 5 – 6 tuổi, em và nhiều bạn khác đã theo mẹ lên nương trồng bông, lớn hơn một chút được bà và mẹ, các chị dạy tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để có thể tự dệt vải, thêu thùa và may những bộ trang phục cho riêng mình. Hiện nay, dù quần áo may sẵn bày bán rất nhiều ở các chợ phiên nhưng em vẫn thích mặc trang phục của dân tộc mình hơn vì rất đẹp, khi mặc thấy thoải mái hơn”.
Giữ gìn biểu tượng văn hóa của người La Chí
Hiện nay, đồng bào La Chí ở xã Nậm Khánh sinh sống chủ yếu tại thôn Nậm Khánh (97%). Thêu thùa, may vá là tiêu chí hàng đầu đánh giá phẩm chất đạo đức, khéo léo của phụ nữ. Trên các sản phẩm dệt của tộc người này có rất nhiều mẫu hoa văn đẹp. Chúng thể hiện sự sáng tạo trên từng đường kim, mũi chỉ của phụ nữ. Trong đó phổ biến nhất là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải.
Các mẫu hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền chủ yếu được thêu ở 2 bên cổ áo và yếm. Chúng tạo nên sự mềm mại cho bộ trang phục của phái nữ. Để làm ra một cái áo mất nhiều thời gian và công sức bởi tất cả phải làm thủ công.
Đàn ông và phụ nữ La Chí đều mặc trang phục màu đen. Qua mỗi chiếc áo, chiếc khăn hoặc mũ, phụ nữ La Chí thể hiện sự khéo léo cũng như gửi gắm tình cảm cho người thân. Điều này giúp mọi người gần gũi, yêu thương nhau hơn. Đây là cách để các thế hệ người La Chí ở Nậm Khánh lưu giữ được nghề dệt truyền thống. Họ luôn gìn giữ biểu tượng văn hóa của dân tộc mình.